Chiều 22/12/2021, tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Dự án USAID LinkSME tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021: “Rào cản và nhu cầu chuyển đổi số” theo hình thức trực tuyến.
Báo cáo được xây dựng trong khuôn khổ “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025″. Báo cáo được xây dựng trên khảo sát 1.300 doanh nghiệp, cũng như qua các cuộc phỏng vấn chuyên sâu của chuyên gia Chương trình khi tư vấn, xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho từng doanh nghiệp.
Rào cản chuyển đổi số
Thứ nhất, rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ: Có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Điều này một phần cũng do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn nói chung, trong đó ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số cho chuyển đổi số.
Thứ hai, khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh: Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh được coi là rào cản lớn thứ hai khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, chiếm tỷ lệ 52,3% số doanh nghiệp khảo sát. Qua phản ánh của các doanh nghiệp, việc chuyển đối số sẽ thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng, hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp không đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ ba, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số: Thiếu chuyên gia, nhân lực nội bộ am hiểu về công nghệ số là điểm nghẽn đối với doanh nghiệp, khiến khả năng đạt thành công trong chuyển đổi số thấp hơn.
Khi phân tích sâu hơn theo quy mô doanh nghiệp, các doanh nghiệp có quy mô khác nhau sẽ gặp những rào cản ở mức độ khác nhau. Nhìn chung, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có tiềm lực tài chính hạn chế nên gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Trong khi các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có tiềm lực tài chính tốt hơn thì gặp rào cản nhiều nhất về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. Điều này một phần do các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có bộ máy, quy trình phức tạp hơn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì thế sẽ khó khăn hơn khi thích ứng với thay đổi.
Nhu cầu giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển đổi số, 57% doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp Tiếp thị trực tuyến, 53,7% doanh nghiệp có nhu cầu về các giải pháp về Làm việc nội bộ. Tiếp đến là các giải pháp Giao dịch điện từ (43%) và Hạ tầng mạng, dữ liệu (39,6%).
Đối với các doanh nghiệp đang tăng trưởng và có nhu cầu chuyển đổi số để tăng tốc, nhu cầu lớn nhất của các doanh nghiệp trong giai đoạn này là giải pháp về Phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh (BI, Big Data, Data warehouse) với 63,5% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn. 60,7% tổng số doanh nghiệp khảo sát có nhu cầu về giải pháp về Quản lý hệ thống khách hàng (CRM) và quản lý kênh bán hàng (Omni Channel Sales). Hai giải pháp còn lại bao gồm Hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP) và An toàn dữ liệu (Database & Security) có nhu cầu tương đương nhau với lần lượt 57,8% và 50,2% số doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.
>>> Có thể bạn quan tâm: Cách lưu trữ tài liệu khoa học cho Doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu, có tới 43,9% doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như hướng dẫn việc khởi tạo và duy trì tài khoản, xây dựng mô hình kinh doanh, tiếp thị, vận chuyển khi tham gia các sàn thương mại điện tử; 42,3% có nhu cầu hỗ trợ về các giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistics xuyên biên giới và 35,5% doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp thanh toán xuyên biên giới.
Báo cáo cũng điểm lại những hoạt động, kết quả trong 1 năm vừa qua triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Chương trình đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động, với hàng triệu lượt tiếp cận các hoạt động, thông tin Chương trình; trong đó gần 200.000 lượt đã tiếp cận các tài liệu hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hơn 500 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng; khoảng 100 doanh nghiệp đang được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu 1-1 để giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp khi chuyển đổi số.
(Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo)